1. Cháo trai, hàu
Trai hay hàu là những thực phẩm có tính hàn, giúp ổn định huyết áp, cải thiện chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt ở người bị tai biến rất hiệu quả.
Nguyên liệu chuẩn bị nấu cháo trai, hàu:
- Hào sữa hoặc trai
- Gạo tẻ
- 1 nắm nhỏ gạo nếp
- Hành lá
- Rau mùi
- Củ hành tím
Một số loại gia vị cần thiết khác: nước mắm, muối, hạt nêm, bột ngọt, dầu ăn…
Sơ chế nguyên liệu:
- Thịt trai hoặc hàu nên dùng muối để ngâm rửa sạch, để ráo nước.
- Hành tím bóc vỏ, rửa sạch, băm nhuyễn.
- Hành lá nhặt bỏ lá hư, rửa sạch, thái nhuyễn.
- Gạo nếp, tẻ vo sạch, để ráo nước.
Nấu cháo:
Cho một ít dầu ăn vào chảo nóng, cho hành tím vào phi thơm. Cho gạo vào rang trong khoảng 5 phút với lửa nhỏ, rang đến khi gạo hơi khô lại là được. Chú ý đảo đều tay để gạo không bị cháy.
Đun nước sôi, sau đó cho gạo đã rang vào nồi nước, đun trong khoảng 1-1,5 tiếng đến khi gạo đã mềm nhừ, chín thơm và hạt gạo nở bung như cánh hoa là được.
Xào thịt hàu, trai:
Bắc chảo lên bếp với dầu ăn nóng, phi vàng thơm hành tím,cho thịt hàu, trai đã sơ chế vào xào, nêm nếm gia vị, đảo đều cho hàu hoặc trai săn lại, xào khoảng 3 phút đến khi hàu chín và có mùi thơm thì tắt bếp.
Tiếp đến cho phần thịt hàu hoặc trai đã xào vào nồi cháo, nêm nếm điều chỉnh lượng gia vị phù hợp khẩu vị ăn. Đun tiếp khoảng 5 phút đến khi cháo sôi lại thì tắt bếp.
Có thể cho người bệnh dùng món cháo hàu, trai từ 2-3 lần/ tuần.
Lưu ý: Những người mắc chứng hư hàn không được dùng.
2. Cháo hạt sen, thịt bằm
Hạt sen từ lâu đã nổi tiếng là thực phẩm giúp an thần, tốt cho thần kinh, giúp dễ ngủ. Đối với người bị tai biến, hạt sen còn giúp cải thiện trí nhớ. Người nhà có thể nấu cháo hạt sen, nấu canh, nấu chè sen…sẽ là những món ăn rất tốt cho người bệnh sau tai biến.
Chuẩn bị nguyên liệu:
- Gạo tẻ, sườn lợn, thịt nạc băm
- Hạt sen tươi, hành lá
- Nấm đông cô
- Củ hành khô
- Hạt nêm, gia vị các loại…
Sơ chế nguyên liệu:
Hạt sen tươi đem rửa sạch rồi cho vào nồi đun khoảng 5 phút là mềm.
Ngâm nấm cho mềm rồi đem rửa sạch thái nhỏ. Thịt băm cho ra bát riêng.
Hành khô băm nhỏ.
Cách làm:
Cho chút dầu vào chảo, hành phi thơm, cho thịt băm và nấm vào xào, nêm nếm gia vị, xào đến khi thịt chín tới thì tắt bếp.
Sườn rửa với nước muối loãng rồi đem chặt khúc vừa ăn để ninh lấy nước nấu cháo. Cho hạt sen, sườn cùng gạo vào nồi và nấu nhỏ lửa, đến khi thấy hạt gạo mềm, bung nở là được.
Khi cháo nhừ thì cho thịt và nấm đã xào vào nồi, nêm nếm gia vị vừa ăn.
Ngoài ra, người nhà có thể đổi món bằng cách nấu chè sen, hay canh hạt sen giúp bồi bổ cho người bệnh.
3. Óc heo (lợn) hầm thuốc bắc
Óc heo hầm thuốc bắc là món ăn bổ dưỡng, có tác dụng tăng cường và sinh huyết hỗ trợ cải thiện di chứng liệt nửa người rất tốt ở bệnh nhân tai biến.
Nguyên liệu:
- Óc heo
- Gia vị thuốc bắc
- Đầu hành lá
- Gia vị
Sơ chế nguyên liệu:
Óc heo mua về bạn ngâm trong nước muối loãng khoảng 2 – 3 phút, sau đó dùng tăm nhọn lấy từng màng và gân máu óc ra cho sạch hết, rửa lại nhẹ nhàng bằng nước muối rồi để ráo.
Thuốc bắc cho vào nồi ninh cho ra hết chất bổ.
Bỏ óc heo vào bát sành, nêm gia vị, rồi chưng cách thủy trong 10 phút. (Khi chế biến các loại não, không nên nấu với nhiều nước, và chỉ nấu vừa chín, không nấu quá lâu, vì nếu nấu nhiều nước và nấu chín kỹ thì sẽ làm giảm một lượng lớn phospholipid có trong não.)
Cho óc heo đã chưng vào nồi thuốc bắc đang ninh, nêm lại gia vị. Ninh thêm 10 phút nữa cho óc heo ngấm thuốc, rồi tắt lửa. Múc ra bát dùng nóng.
Chỉ nên cho người bệnh ăn 1 tuần/ lần món này. Đối với người bị nóng trong hay bị xuất huyết thì không nên sử dụng.
Hi vọng những thông tin Genki Fami chia sẻ có ích cho bạn, giúp bạn có thêm kiến thức để chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe của bản thân và gia đình, giúp phòng ngừa đột quỵ, tai biến hiệu quả.